Những công nghệ mới an toàn mà lái xe cần nên biết

Nếu phát hiện ra tài xế có hành động phanh gấp, BA sẽ tự động trợ giúp để quá trình diễn ra nhanh hơn.

Để hỗ trợ tài xế tối đa, các hãng tích hợp lên xe càng nhiều công nghệ an toàn càng tốt, tất nhiên giá tiền cũng đắt tương ứng. Dưới đây là những hệ thống dần quen thuộc nhưng không nhiều người sử dụng ôtô hiểu đúng cách thức hoạt động. Độc giả click từng ảnh để xem giải thích chi tiết.

1.Chống bó cứng phanh


ABS là viết tắt của Anti-Lock Brake System, hệ thống chống bó cứng phanh. Khi tài xế đạp phanh gấp, đặc biệt trên mặt đường trơn trượt lại kết hợp đánh lái, các bánh xe có xu hướng bị bó cứng dẫn tới tình trạng văng đuôi gây tai nạn.

ABS ra đời để triệt tiêu rủi ro này, tạo ra kiểu phanh-nhả liên tục để bánh xe không bị bó. Cơ cấu ABS bao gồm các cảm biến lắp trên bánh xe (ghi nhận tình trạng hoạt động); bộ xử lý điện tử CPU và thiết bị điều áp (đảm nhiệm thay đổi áp suất trong piston phanh).

Trong trường hợp phanh gấp, nếu CPU nhận thấy một hay nhiều bánh có tốc độ quay chậm hơn mức quy định nào đó so với các bánh còn lại, thông qua bơm và van thủy lực, ABS tự động giảm áp suất tác động lên đĩa (quá trình nhả), giúp bánh xe không bị chết cứng (hay còn gọi là “bó”).

Tương tự, nếu một trong các bánh quay quá nhanh, máy tính cũng tự động tác động lực trở lại, đảm bảo quá trình hãm. Để thực hiện được điều này, hệ thống sẽ thực hiện động tác ấn – nhả thanh kẹp trên phanh đĩa khoảng 15 lần mỗi giây, thay vì tác động một lần cực mạnh khiến bánh có thể bị “chết” như trên các xe không có ABS.

Ngày nay hệ thống phanh ABS hay đi cùng phân phổ lực phanh điện tử và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA.

2.Phân bổ lực phanh điện tử EBD và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA


Hai công nghệ này kết hợp cùng ABS trở thành bộ ba công nghệ an toàn tác động lên phanh phổ biến nhất trên ôtô hiện nay.

Phân bổ lực phanh điện tử EBD

EBD là viết tắt của Electronic Brake Distribution. Giống như tên gọi, EBD tự động phân bổ lực phanh tới các bánh để đảm bảo xe dừng một cách cân bằng nhất.

Với những xe không trang bị EBD, có những tình huống mà lực phanh lệch hẳn về một bên khiến xe bị lệch, thậm chí có thể gây trượt bánh. Nếu có EBD, máy tính trung tâm sẽ tự động tính toán và phân bổ lực phanh dựa theo thông số về tốc độ, tải trọng xe, độ bám đường.

Hỗ trợ phanh khẩn cấp

Hệ thống BA (Brake Assist) thường đi cùng với EBD. BA hoạt động dựa trên các cảm biến kiểm soát trạng thái pedal phanh, bộ phận khuếch đại lực phanh bằng khí nén và các van điện được điều khiển bởi máy tính trung tâm.

Nếu phát hiện ra tài xế có hành động phanh gấp, BA sẽ tự động trợ giúp để quá trình diễn ra nhanh hơn. Bộ xử lý trung tâm kích hoạt van điện cấp khí nén vào bộ khuếch đại lực phanh, giúp lái xe phanh gấp kịp thời và đủ mạnh. BA sẽ tự động ngừng kích hoạt ngay khi tài xế nhả chân phanh.

Tuy nhiên, có một lưu ý là độ khuếch đại gần như lập tức đẩy lực phanh đạt tới mức tối đa nên nguy cơ xe bị rê bánh rất cao, do đó BA phải được lắp đặt đồng bộ với hệ thống ABS. Tính năng chống bó cứng phanh sẽ luôn kịp thời phát huy tác dụng chống lết bánh, đảm bảo hiệu quả phanh gấp tối ưu ngay cả trên những bề mặt trơn trượt. Sự kết hợp của ABS, EBD và BA mang tới khả năng an toàn tối ưu cho hệ thống phanh.

3.Cân bằng điện tử


Công nghệ này có nhiều cách ký hiệu tùy theo từng hãng xe, có thể là ESP (Electronic Stability Program) hoặc ESC (Electronic Stability Control) hay VSC (Vehicle Stability Control).

Ở hệ thống cân bằng điện tử làm việc bằng cách thu thập các tín hiệu từ cảm biến gia tốc dọc, gia tốc ngang thân xe, cảm biến tốc độ các bánh xe… để xác định trạng thái chuyển động thực tế. Máy tính so sánh kết quả này với góc quay vô-lăng, nếu có sự sai khác giữa góc quay thân xe và góc đánh lái của vô-lăng sẽ đưa ra lệnh điều khiển phanh, hoặc giảm công suất động cơ, xe nhanh chóng về trạng thái theo đúng mong muốn của tài xế.

Hệ thống cân bằng điện tử kết hợp chặt chẽ với hệ thống chống bó cứng phanh-ABS cho phép ESC phanh độc lập từng bánh xe riêng rẽ. Bất kỳ xe nào có trang bị câng bằng điện tử thì hệ thống phanh đều trang bị ABS, nhưng một xe có ABS chưa chắc đã có ESC.

Cân bằng điện tử sử dụng mô-đun điều khiển thủy lực tương tự như trên ABS. Nhưng giữa hai hệ thống vẫn có sự khác biệt, trên xe chỉ có ABS, mô-đun điều khiển thủy lực chỉ có chức năng kiểm soát hoặc giảm áp suất dầu phanh tác động lên xi-lanh phanh. Với xe trang bị ESC ngoài hai chức năng trên mô-đun thủy lực còn có thể tăng áp suất dầu vào khu vực cần thiết khi có yêu cầu tạo ra lực phanh chênh lệch giữa các bánh.

Chính bởi yếu tố không thể tách rời đó mà khá nhiều người nhầm lẫn chức năng và nguyên lý làm việc của ESC và ABS. Hệ thống chống bó cứng phanh làm việc khi người lái đạp phanh, bánh xe có nguy cơ bó cứng. Hệ thống kiểm soát trạng thái lại làm việc khi có sự sai khác giữa góc đánh lái và góc quay thân xe. Điều đó có ý nghĩa rằng ESC làm việc tự động hoàn toàn.

4.Hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA


HSA là viết tắt của Hill-Start Assist System, công nghệ này còn có thể viết tắt là HAC (Hill-Start Assist Control).

Hệ thống sử dụng cấu tạo đơn giản là dùng con quay hồi chuyển để xác định độ dốc của mặt đường. Nếu trên đường dốc, tài xế đạp phanh dừng giữa dốc thì sau khi nhả phanh, xe sẽ hỗ trợ tiếp tục phanh khoảng 3 giây. Đây là khoảng thời gian để tài xế chuyển sang chân ga và đạp ga đi tiếp, nhờ vậy xe không bị tụt dốc.

5.Hỗ trợ đổ đèo DAC

DAC là Down-hill Assist Control, hỗ trợ đổ dốc. Công nghệ này còn có viết tắt là HDC (Hill Descent Control). Công nghệ này cũng xác định góc nghiêng của dốc sau đó tự động áp dụng phanh mà không cần tài xế đạp pedal phanh.

DAC sẽ giúp xe duy trì tốc độ hợp lý khi đổ dốc, tránh khóa các bánh gây ra hiện tượng trơn trượt. Khi xuống dốc sâu, nếu tốc độ xe bị đẩy lên cao do quán tính, xe tự động thêm lực phanh để giữ tốc độ hợp lý nhất. Hệ thống sẽ ngừng kích hoạt khi nhận thấy tài xế đạp ga hoặc khi xuống tới đường bằng phẳng.

6.Kiểm soát hành trình Cruise Control


Công nghệ này cho phép tài xế duy trì một tốc độ cố định, nhất là khi đi trên cao tốc mà không cần đạp chân ga. Dựa trên các cảm biến truyền tín hiệu về góc quay vô-lăng, tiếp điểm ly hợp, chân phanh và tốc độ xe mà kích hoạt hay ngừng hoạt động.

Khi tài xế thiết lập tốc độ mong muốn rồi nhả chân ga, xe sẽ tính toán để mở rộng bướm ga hay đóng bướm ga để xe đạt tốc độ thiết lập. Sau đó, trong cả quá trình, nếu có những thay đổi như tài xế đạp phanh, hệ thống sẽ tự động vô hiệu hóa, xe trở lại trạng thái lăn bánh thông thường.

Cùng Danh Mục:

Liên Hệ Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *